Thế hệ mới của Hyundai Tucson được nâng cấp về thiết kế và trang bị, tuy nhiên cấu hình động cơ không có nhiều thay đổi và giá bán tăng đáng kể so với đời xe cũ.
Sau Santa Fe và Grand i10, Hyundai giới thiệu mẫu xe mới cuối cùng trong năm 2021 tại Việt Nam là Tucson thế hệ thứ 4, trái với dự đoán trước đó về sự xuất hiện của Kona hay Elantra.
Ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là thị trường thứ 2 sau Singapore đón nhận Hyundai Tucson đời mới.
Không còn nhiều lợi thế về giá bán
So với các phiên bản facelift ra mắt từ năm 2019 có giá 799-940 triệu đồng, Hyundai Tucson 2022 có mức giá đắt hơn đáng kể.
Cụ thể, mẫu SUV 5 chỗ Hàn Quốc vẫn có 4 phiên bản Xăng Tiêu chuẩn, Xăng Cao cấp, Dầu Cao cấp và 1.6 Turbo với giá đề xuất lần lượt 825 triệu đồng, 925 triệu đồng, 1,03 tỷ đồng và 1,02 tỷ đồng. Mức chênh lệch vào khoảng 26-105 triệu đồng.
Các đối thủ trực tiếp của Hyundai Tucson mới vẫn là Mazda CX-5 (839 triệu -
1,059 tỷ đồng), Peugeot 3008 (1,009-
1,109 tỷ đồng). Như vậy, Tucson không còn lợi thế quá lớn về mặt giá bán so với 2 mẫu xe của Thaco.
Điểm chung là cả 3 dòng xe này đều được sản xuất trong nước và cùng nằm trong diện hưởng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đến hết tháng 5/2022.
Ngoài ra, mẫu xe “sinh đôi” của Tucson là Kia Sportage thế hệ mới dự kiến được bán ra tại Việt Nam ở năm 2022, tạo thêm áp lực cạnh tranh với dòng SUV của Hyundai.
Bên cạnh đó, Hyundai Tucson 2022 còn ở cùng tầm giá với một vài mẫu crossover 5+2 như Mitsubishi Outlander (825 triệu - 1,058 tỷ đồng) hay Honda CR-V (998 triệu - 1,138 tỷ đồng).
Tính đến hết tháng 11/2021, Hyundai Tucson hiện có doanh số cộng dồn 7.456 chiếc, trong khi kết quả tương ứng của Mazda CX-5 là 8.030 chiếc.
Thay đổi thiết kế và bổ sung trang bị
Hyundai Tucson thế hệ mới trình làng vào tháng 9/2020 và được phát triển trên cùng nền tảng khung gầm N3 với “đàn anh” Santa Fe. Xe được thay đổi hoàn toàn thiết kế ngoại thất, trông hầm hố hơn hẳn đời xe cũ.
Các điểm nhấn đáng chú ý nhất gồm có lưới tản nhiệt cỡ lớn tích hợp cả cụm đèn định vị LED, đèn chiếu sáng LED mới bố trí thấp hơn giống với Kona và Santa Fe, cụm đèn hậu LED đặt dọc lạ mắt…
Những chi tiết khác góp phần tăng thêm vẻ thể thao cho Tucson 2022 còn có cản trước và cản sau hầm hố, la-zăng tạo hình cánh quạt, gân dập nổi sắc sảo ở thân xe, cánh lướt gió, ăng-ten vây cá mập…
Bên trong nội thất, khoang lái được hãng xe Hàn Quốc đổi mới theo hướng hiện đại và trẻ trung hơn. Màn hình cảm ứng trung tâm nay đặt thấp ở giữa bảng tablo thay vì bố trí tách biệt phía trên cao như ở đời trước. Ngoài ra, các đường nét thiết kế thanh thoát cũng giúp cho cảm giác cabin Tucson nay rộng rãi hơn.
Vô-lăng chuyển sang kiểu 4 chấu mới kết hợp cùng màn hình tốc độ LCD kích thước 10,25 inch trông khá sang trọng, trong khi cần số là loại nút bấm giống với Santa Fe 2021.
Loạt tính năng tiện ích nổi bật của Hyundai Tucson có thể kể đến điều hòa tự động 2 vùng, ghế trước chỉnh điện tích hợp sưởi/làm mát/nhớ vị trí, cốp sau đóng/mở điện, sạc điện thoại không dây, phanh tay điện tử, kết nối Apple CarPlay/Android Auto, hệ thống loa Bose, lẫy chuyển số trên vô-lăng, cửa sổ trời toàn cảnh…
Tucson nay được bổ sung gói an toàn chủ động Smart Sense mới, tương tự trang bị trên Mazda CX-5. Các tính năng hỗ trợ bao gồm phanh chủ động, hỗ trợ giữ làn, kiểm soát hành trình chủ động...
Nhờ kích thước được mở rộng và chiều dài cơ sở tăng thành 2.755 mm, không gian hành khách của Tucson 2022 được cải thiện đôi chút. Hàng ghế sau rộng rãi và đủ thoải mái cho 3 người lớn sử dụng, trong khi khoang hành lý có dung tích hơn 600 lít, thuộc diện tốt nhất phân khúc SUV cỡ C.
Chưa có phiên bản hybrid
Khác với thị trường Singapore, Hyundai Tucson 2022 tại Việt Nam không có tùy chọn động cơ hybrid. Ngoài ra, Thaco từng xác nhận Kia Sportage 2022 bán tại Việt Nam sẽ có cấu hình PHEV - hybrid cắm sạc.
Thay vào đó, mẫu SUV của Hyundai duy trì 3 tùy chọn vận hành quen thuộc từ đời xe trước, gồm máy xăng hút khí tự nhiên 2.0L, động cơ xăng tăng áp 1.6L và máy dầu tăng áp 2.0L. Thay đối chính là cả 3 cấu hình đều thuộc thế hệ động cơ mới Smartstream có thông số tốt hơn.
Bản Xăng Tiêu chuẩn và Xăng Cao cấp có công suất 154 mã lực cùng mô-men xoắn 192 Nm, kết hợp với đó là hộp số tự động 6 cấp. Mức sức mạnh này khá tương đồng với các model Mazda CX-5 2.0L (154 mã lực, 200 Nm).
Trong khi đó, Tucson Dầu Cao cấp cho sức mạnh 179 mã lực và sức kéo 416 Nm khi kết hợp cùng hộp số tự động 8 cấp. Đây là model hiếm hoi trong phân khúc SUV 5 chỗ sử dụng động cơ diesel.
Ở model 1.6 Turbo, máy tăng áp 1.6L của Tucson mạnh hơn động cơ cùng cỡ của Peugeot 3008 (165 mã lực, 245 Nm) khi cho công suất 177 mã lực và mô-men xoắn 265 Nm. Hộp số là loại tự động ly hợp kép 7 cấp.
Hyundai trang bị cho Tucson 4 chế độ lái (Eco, Comfort, Sport và Smart). Riêng phiên bản Turbo nay có hệ dẫn động AWD như CX-5 2.5L, còn bản máy xăng 2.0L và máy dầu 2.0L vẫn sử dụng hệ dẫn động cầu trước. (Theo Zing News)